Có nhiều bé dù đã ba bốn tuổi nhưng vẫn chưa biết nhai, khó ăn, ham chơi nhưng lại nhát.
Thật ra, chỉ cần lưu ý một số điểm, bạn có thể biến chuỗi ngày đi học mẫu giáo của con mình thành những tháng ngày thoải mái, dễ chịu nhất trong các giai đoạn phát triển của bé.
Từ những điều sơ đẳng
Bạn nên nhớ không thể một sớm một chiều bắt bé yêu phải làm quen với môi trường hoàn toàn mới.
Trước tiên, hãy đi khảo sát các trường mẫu giáo mà bạn có ý định cho con theo học để đảm bảo về chất lượng thức ăn, tình hình vệ sinh, hay tiêu chuẩn bao nhiêu bé một lớp…
Trước khi bé đi học khoảng hai tuần, các buổi chiều bạn nên về sớm để chơi cùng bé tại khuôn viên của nhà trường – điều này cũng được các trường học khuyến khích. Thật đơn giản, thay vì phải dắt bé đi nhà sách, công viên, hãy đến thẳng trường học và tạo cho bé thói quen rằng đây là một nơi thoải mái chứ không phải nơi sẽ giam lỏng bé.
Đối với các bé còn vẫn bám mẹ, hai tháng đầu bạn có thể đăng ký cho bé học nửa buổi và ra về lúc trưa để bé đỡ cảm giác xa nhà lâu. Bé cũng không phải quá sức rồi sinh ra ốm. Đừng lo rèn bé yêu vào nề nếp vội, điều quan trọng bạn cần làm là tạo cho bé sự thoải mái và thích thú khi nghe nhắc đến trường học.
Nếu bé muốn mẹ dắt và tận lớp thì bạn cứ làm theo ý bé. Trẻ em rất nhạy cảm, và tệ hơn nữa là bé không đủ ngôn từ để diễn đạt cảm xúc của mình, cho nên bạn phải luôn quan niệm "không phải bỗng dưng con mình muốn tỏ ra thích hoặc không thích điều gì, cái gì cũng có nguyên do của nó cả".
Nói gì về trường mẫu giáo
Hãy cho bé biết rằng trường mẫu giáo có rất nhiều bạn và rất nhiều lớp, bé sẽ có cả cô giáo bảo mẫu… hãy chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho bé thật kỹ ở khâu này vì trẻ con thường sợ tiếng động và nơi đông người. Nếu được thông báo trước, bé sẽ không phải sợ đến nỗi khóc ré lên và nằng nặc đòi về trong ngày đến trường đầu tiên.
Bỏ quên bước này, rất có thể bạn sẽ phải đối diện với điệp khúc mít ướt kéo dài có khi cả năm học đằng đẵng từ bé. Tuy nhiên, bạn cũng nên khéo léo tả với bé về trường mẫu giáo thay vì quá tập trung vào vấn đề này để tránh cho bé khỏi sự lo sợ không đáng có.
Thay vì phải dắt bé đi nhà sách, công viên, hãy đến thẳng trường học và tạo cho bé thói quen rằng đây là một nơi thoải mái. (ảnh minh họa)
Những việc bạn lên làm
Hãy dẫn bé đi mua sắm đồ dùng chuẩn bị đi học như bút vẽ, tập vở, cặp… kể cả những thứ chưa cần để bé thấy được tầm quan trọng của việc tới trường : đi học là chuyện nghiêm túc chứ không phải đi chơi. Tuy nhiên, hãy kết hợp buổi mua sắm đó như là một chuyến đi nhà sách cuối tuần để bé không cảm thấy bị áp lực quá.
Tránh cho bé mặc quần áo mới vào ngày khai giảng. Nghe thật nực cười và vô lý vì đứa trẻ nào lại không thích mặc đồ mới nhỉ? Thế nhưng, tiếp cận quá nhiều thứ "mới" như trường mới, bạn mới, cô giáo mới… cũng đủ làm bé cảm thấy khớp rồi.
Cho nên, hãy để bé mặc những trang phục quen thuộc hàng ngày vì vào dịp này, bé đã phải làm quen với nhiều cái mới rồi, đừng để bé phải lạ lẫm với cả bộ quần áo của mình.
Nếu được, cả bố và mẹ hãy cố gắng cùng đưa bé tới trường vào ngày đầu tiên đi học. Một người đưa đi có thể sẽ khiến bé cảm thấy chưa an tâm. Hơn thế nữa, bố cũng sẽ là người giúp mẹ vững tâm hơn nếu bé có lỡ khóc, mè nheo đòi về…
Chuyên mục của chúng tôi đã thấy không ít trường hợp các bà mẹ dắt con đến trường và bế ngay con về vì quá xót con. Lúc này, vai trò của bố sẽ cực kỳ quan trọng với cả mẹ lẫn con.
Bạn đưa bé đi thăm lớp học nếu cô giáo đồng ý. Chỉ cho bé biết các khu học, khu vui chơi, nơi để quần áo…
Cần mặc cho bé những bộ quần áo dễ cởi, không nên để bé mặc quần yếm, quần áo có dải thắt phức tạp dễ gây vướng khi bé đi vệ sinh.
Đừng đốt cháy giai đoạn
Ban đầu, bạn cứ để bé mang theo chú gấu bông quen thuộc ở nhà, hoặc bất kỳ món nào bé yêu thích tới lớp nếu việc đó giúp bé cảm thấy an toàn hơn.
Buổi sáng, khi đưa bé tới lớp, bạn hãy lưu lại đôi chút để trò chuyện với cô giáo, hỏi thăm xem bé ăn uống, nghỉ ngơi ra sao, quan sát các bạn trong lớp bé… Nhưng không nên ở quá lâu để bé hiểu rằng bé phải tự lập rồi đấy.
Trước khi ra về, cho dù bé mải mê "tám" với bạn, mẹ cũng nên vỗ vai và nói "tạm biệt" bé. Nếu không, khi câu chuyện kết thúc, bé sẽ cảm thấy mẹ đã bỏ rơi mình.
Quan trọng hơn nữa là việc rước bé mỗi ngày. Bạn cần phải đúng giờ nhé! Nếu ngày nào bạn cũng đưa trẻ tới trường muộn trong khi các bạn của bé đã vào hàng cả thì bé sẽ cảm thấy chuyện mình đến sau là bất thường. Còn nếu bạn đến đón muộn, bé sẽ thấy sợ hãi khi các bạn lần lượt về hết còn mình phải ở lại. Điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý của bé.
Ngoài ra, bạn cũng nên cho bé biết ai sẽ đón bé vào buổi chiều để con bạn yên tâm. Buổi tối, mẹ hãy hỏi bé về những hoạt động trong ngày để bé cảm nhận được rằng bố mẹ quan tâm đến mình. Nếu bé không chịu nói, bạn đừng nên nài nỉ vì không phải bé nào cũng nhớ được mình làm gì trong ngày hôm đó.
Ở nhà, bạn nên lập cho bé một thời gian biểu (dán trên tủ lạnh chẳng hạn) với từng con thú biểu hiện cho từng ngày trong tuần một cách thật dễ thương xem sao.
Ngày nào phải đi học, bạn hãy tô màu đỏ, ngày nghỉ cuối tuần sẽ được trang trí với màu xanh chẳng hạn. Việc này giúp bé dễ dàng làm quen với thời khóa biểu cũng như nề nếp sinh hoạt.
Nguồn: Internet